Trải nghiệm làm Bánh Chưng Đen của người Giáy Tả Van, Sa Pa

Trải nghiệm làm bánh chưng đên với người giáy ở Tả Van, Sapa

Giới thiệu về Bánh Chưng Đen người Giáy Tả Van, Sapa

Bánh Chưng Đen là một món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người Giáy ở Sapa. Bánh Chưng Đen thường được làm để thờ cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Đán và được người Giáy vô cùng trân trọng. Bánh được làm bằng gạo nếp truyền thống hạt to, tròn, thơm, dẻo. Màu đen của bánh được làm từ bột tro của cây núc nác. Cũng chính vì thế, bánh có hương vị đặc biệt hơn, khi ăn sẽ không bị nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường vì tro của cây núc nác đã khử mùi chua, độ nóng của gạo nếp.

Cách làm Bánh Chưng Đen

Để làm được Bánh Chưng Đen phải trải qua nhiều giai đoạn phức tạp và thú vị

1. Chuẩn bị nguyên liệu

Lá dong truyền thống

Lá dong là một nguyên liệu không thể thiếu để gói được bánh chưng. Lá dong phải được lựa chọn kỹ càng, không bị rách hay sâu, không già quá và cũng không non quá. Sau khi được rửa sạch, lá sẽ được treo khô trước gió. Khi phơi lá nên chú ý không treo trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời bởi vì sẽ khiến lá bị héo và khó gói hơn.

Gạo nếp truyền thống của người Giáy

Gạo nếp phải là loại gạo truyền thống của người Giáy, loại này hạt to, tròn đều, khi nấu lên sẽ thơm và vô cùng dẻo. Đây là loại gạo nếp rất quý hiếm và trồng được ít nên người Giáy luôn để dành làm bánh hoặc xôi cho những dịp quan trọng của gia đình. Người Giáy rất trân trọng loại nếp này và thường không đem bán cho dù sẽ được trả giá cao di chăng nữa.

Người Giáy sẽ không ngâm gạo trước khi gói bánh để giữ được lớp cám và dinh dưỡng trong hạt gạo nhiều nhất mà trực tiếp đem gói bánh hoặc trộn với bột tro của cây núc nác. Cây núc nác sau khi đốt thành than sẽ được đem đi giã mịn, rồi giã trực tiếp với gạo. Việc giã hai thứ cùng với nhau sẽ giúp cho lớp bột than bám tốt hơn vào hạt gạo thay vì chỉ trộn bằng tay.

Nhân Bánh Chưng Đen

Nhân bánh của người Giáy cũng giống như các dân tộc khác gồm có đậu xanh, thịt lợn bên trong. Tuy nhiên, hương vị bánh của người Giáy lại có phần đặc trưng và khác biệt hơn bánh chưng truyền thống của người Việt ở chỗ ướp thịt. Thịt lợn người Giáy sẽ không ướp với hạt tiêu mà dùng hạt thảo quả rang thơm, giã mịn rồi ướp qua đêm. Cái bánh có nhân thịt ướp thảo quả kết hợp với đậu xanh và tro cây núc nác tạo nên một hương vị riêng của người Giáy. Nếu được thử một lần, Hướng tin rằng bạn sẽ mê mẩn cái món Bánh Chưng Đen này cực kỳ.

2. Gói Bánh Chưng Đen

Trước khi gói, Hướng giúp mẹ lau lại lá dong, rồi đặt hai lá đè lên nhau, mặt xanh hơn cho ra bên ngoài. Tiếp theo là múc một bát gạo nếp đen đầy, đổ một nửa lên lá, rồi để một thìa đậu xanh đã ngâm lên trên, cho một miếng thịt béo ngậy, sau đó lại lấp lại bằng lớp đậu xanh và nửa bát gạo còn lại rồi mới gói.

Bánh Chưng Đen hay còn gọi là Bánh Chưng Gù Đen còn mang hình dáng đặc trưng, phần lưng gù trông giống những quả núi nối tiếp nhau. Người Giáy thường làm nhà và sống ở vùng núi, ven những con suối trong thung lũng. Chính vì vậy, người Giáy đã thể hiện tình yêu quê hương của mình trong cái bánh truyền thống. Ban đầu, bánh được gói nhô lên như một quả núi cao, sau khi buộc lại tạo thành những ngọn núi nối tiếp đuôi nhau giống như quê hương người Giáy.

Ngoài ra, sự tiện lợi khi cắt bánh cũng chính là một lý do quan trọng mà người Giáy lại gói và buộc bánh tạo hình dáng gù. Khi bóc và cắt bánh bạn chỉ cần cắt theo những đường chia của lạt, vừa đều, đẹp và dễ ăn.

3. Luộc và bảo quản Bánh Chưng Đen

Sau khi gói xong, Hướng và mẹ sẽ đem luộc trong cái nồi khổng lồ. Phải mất 8-10 tiếng bánh mới ra lò, trong thời gian chờ đợi bánh, gia đình Hướng sẽ tranh thủ dọn dẹp và trang trí nhà cửa chuẩn bị đón năm mới, thi thoảng chạy vào sửa lửa rồi lại chạy ra.

Cuối cùng khi bánh đã chín, lấy ra khỏi nồi, bánh sẽ được đem lên bàn thờ và thắp hương luôn. Người Giáy sẽ cúng một số lượng nhất định. Số còn lại sẽ để nguội và treo lên nơi khô thoáng tránh bị ẩm, mốc. Bánh có thể để đến tận nửa tháng nếu bảo quản tốt, và bánh thường vẫn rất dẻo, không bị lại gạo vì đã được luộc rất lâu, rất kỹ. Tuy nhiên, nếu chẳng may bánh có bị cứng thì cũng không lo, người Giáy sẽ đem bánh nướng bên bếp lửa, cho bánh ấm dần dần, đến khi các mặt lá bị cháy và vỏ bánh có phần ngả vàng hoặc hơi cháy thì bánh sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn. Phần bên trong mềm, thơm, còn bên ngoài giòn giòn, dai dai ăn vô cùng thích.

banh chung den sapa 1 1 - Trải nghiệm làm Bánh Chưng Đen của người Giáy Tả Van, Sa Pa
Bánh Chưng Đen đã chín
banh chung den sapa - Trải nghiệm làm Bánh Chưng Đen của người Giáy Tả Van, Sa Pa
Bánh trông hấp dẫn không nè?

Kết luận

Nói chung, Bánh Chưng Đen không chỉ chứa chan tình yêu quê hương miền núi mà còn thể hiện sự khéo léo, sáng tạo trong từng món ăn của người Giáy. Hướng là một người không thích lắm và thường không ăn những món từ gạo nếp vì sợ bị nóng trong người, nhưng riêng bánh chưng đen, một mình Hướng có thể chén hết cả cái mà vẫn còn thòm thèm. Nghe đến đây, bạn đã cảm thấy nhỏ nước miếng chưa? Nếu có dịp về Sapa, hãy xuống nhà Hướng ở Tả Van để ăn thử bánh nhé.

Dưới đây là video làm bánh của Hướng, mời bạn vào xem nha!

Các bạn có thể đọc thêm các bài viết kinh nghiệm du lịch Sapa cùng người bản địa tại đây: Kinh nghiệm du lịch Sapa

3 kinh nghiệm săn mây Sapa của người bản địa

3 Replies to “Trải nghiệm làm Bánh Chưng Đen của người Giáy Tả Van, Sa Pa”

  1. Chúc mừng bài viết đầu tiên của Hướng! Chúc Hướng có nhiều nội dung giá trị, hữu ích, phát triển công việc, cộng đồng!!!

    1. Em cảm ơn anh Việt Anh nhé, chúc anh và Dulichbui24 cũng ngày càng phát triển

  2. […] Trải nghiệm làm Bánh Chưng Đen của người Gi&aac… […]

Trả lời